Nhà là “nơi ta sống, chốn ta về”, là nơi sinh hoạt của những người ta yêu thương nhất, nơi ta tiếp đón bạn bè, đối tác, nơi cho ta những phút bình yên. Được sống trong một ngôi nhà đẹp, tiện nghi và an toàn là điều ai cũng mong muốn. Nhưng để xây dựng được ngôi nhà như ý lại là điều không hề đơn giản, ngoài việc phải chuẩn bị một nguồn kinh phí rất lớn (có khi là sự chắt chiu của cả cuộc đời) thì chủ nhà còn phải hiện thực hóa rất nhiều ý tưởng cho tổ ấm bình yên. Chính vì vậy, để tránh đi những rủi ro không đáng có làm ảnh hưởng tới chất lượng, sự an toàn và thẩm mỹ của ngôi nhà mơ ước thì khi tiến hành xây dựng bạn cần hết sức cẩn trọng trong mọi tính toán. Đặc biệt là nhất quyết không được bỏ qua các công đoạn chống thấm cho công trình.
Vì sao phải chống thấm?
Thứ nhất: Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa. Sự chênh lệch về nhiệt độ và độ ẩm giữa các mùa là rất lớn, đặc biệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà những năm gần đây các thay đổi này diễn ra ngày càng thất thường và khắc nghiệt. chính sự chênh lệch và biến đổi thất thường đó đã tác động rất lớn tới quá trình co ngót, giãn nở của bê tông dẫn tới sự xuất hiện của các vết nứt phá trên bề mặt và sàn bê tông.
Vết nứt phá trên bề mặt và sàn bê tông
Thứ hai: Bất kỳ công trình nào sau khi xây dựng cũng phải chịu tác động sụt lún, sự sụt lún tại mỗi kết cấu công trình là không giống nhau, chính sự khác biệt này là nguyên nhân dẫn tới các vết nứt phá của bê tông làm nguồn gốc cho quá trình thấm dột.
Vết nứt phá bê tông do tác động của lún sụt gây ra
Thứ ba: Các hạng mục cấp và thoát nước của ngôi nhà, đặc biệt là các điểm đầu nối, các điểm đầu vòi, hố thoát cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ thấm nước.
Các vòi cấp, thoát cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ thấm nước
Thứ tư: Các loại vật liệu xây dựng thông thường (cát , đá, gạch…) đều có những mao quản (khoảng cách giữa các hạt) có đường kính khoảng từ 20 - 40 micromet (1micromet=1/1.000 milimet). Khi bề mặt vật liệu này tiếp xúc với nước, nước sẽ xâm nhập qua các khe hở ở bề mặt, thẩm thấu theo các mao quản vào bên trong (mao dẫn) gây ra hiện tượng thấm….
Các vết thấm do vật liệu
Khi công trình bị thấm, ban đầu sẽ có các vết loang và nấm mốc, về lâu dài sẽ xuất hiện rêu xanh gây ảnh hưởng rất lớn tới tính thẩm mỹ và vệ sinh của công trình (Nấm mốc có thể tác động xấu tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình). Mặt khác, khi công trình bị thấm ướt lâu ngày sẽ làm cho vật liệu nhanh chóng bị xuống cấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và độ bền, tính an toàn của công trình. Ngoài ra, khi công trình bị xuống cấp bạn sẽ phải chi ra một khoản kinh phí khá lớn cho việc tu bổ, sửa chữa. Bản thân việc sửa chữa công trình cũng gây ra các bất tiện rất lớn cho sinh hoạt của bạn và gia đình …
Các vết mốc do thấm
Vì tất cả các yếu tố trên nên khi xây dựng công trình bạn cần phải thực hiện ngay các biện pháp chống thấm cho công trình. Việc chống thấm ngay trong quá trình xây dựng có rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất: Về mặt thẩm mỹ, vật liệu chống thấm là lớp giáp nền bảo vệ cho vẻ đẹp của công trình
Thứ hai: Về mặt xây dựng, vật liệu chống thấm làm gia tăng độ kiên cố và tính bền vững cho công trình.
Thứ ba: Về mặt tài chính, việc đầu tư vào chống thấm ngay từ đầu sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền so với chi phí tu bổ và sửa chữa công trình khi bị thấm dột.